Kỹ thuật trồng dưa lưới trên sân thượng đơn giản, hiệu quả
Rất nhiều gia đình yêu thích loại trái cây ngọt mát như dưa lưới nhưng không dám mua về ăn do sợ trữ lượng thuốc trừ sâu cao. Thế nhưng, với kỹ thuật trồng dưa lưới trên sân thượng dưới đây, gia đình nào ở thành phố cũng có thể tự trồng dưa lưới đạt chất lượng và vị ngon không kém gì mua ngoài.
1. Chuẩn bị hạt giống, giá thể và đất trồng dưa lưới
Nội dung chính:
+ Hạt giống có thể mua ở thành phố rất dễ dàng, bạn có thể tìm đến các cơ sở buôn bán sản phẩm nông nghiệp uy tín để chọn loại hạt giống phù hợp.
Bạn nên nhớ rằng mỗi loại hạt giống sẽ phù hợp với khí hậu của từng địa phương, hãy nhờ đến sự tư vấn của người có kinh nghiệm để chọn loại hạt giống tốt, sạch, khỏe về trồng trong nhà mình.
+ Để trồng cây dưa lưới nhanh lớn, bạn cần dùng giá thể cùng với đất để tăng lượng dinh dưỡng cho cây. Giá thể trồng cây dưa lưới được trộn với hỗn hợp là 70% mụn xơ dừa + 20% phân hữu cơ + 10% tro trấu. Hỗn hợp này cần được trộn đều và cho vào khay ươm để gieo hạt giống.
+ Đất trồng cây dưa lưới nên là loại đất phù sa, nhiều dinh dưỡng, đất cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp và dễ thoát nước sẽ giúp cây sinh trưởng nhanh hơn và tránh được nguồn bệnh bùng phát.
Đất khi mua về nhà nên được bón thêm phân chuồng hoặc tro trấu để tăng hàm lượng dinh dưỡng, nếu như nhà bạn đã có sẵn đất trồng cây, bạn nên rắc vôi bột (Ca(OH)2) để diệt trứng, sâu, nấm bệnh tồn tại sẵn trong đất.
- Chia sẻ với bạn: Tác dụng của dưa lưới với sức khỏe con người.
2. Chuẩn bị dụng cụ và ươm cây
+ Kỹ thuật trồng dưa lưới trên sân thượng không đòi hỏi bạn cần phải đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ cao, bạn chỉ cần chuẩn bị sẵn khay hoặc bầu ươm, khay nên có nhiều lỗ nhỏ đều nhau, có lỗ thoát nước.
Ngoài ra, bạn còn cần chậu/thùng xốp/thùng nhựa cỡ vừa để trồng cây, thùng xốp hay thùng nhựa cần phải đục thủng lỗ nhỏ để thoát nước cho cây.
+ Sau khi chuẩn bị sẵn đầy đủ dụng cụ, bạn ngâm hạt giống vào nước ở nhiệt độ 28 – 32 độ C trong thời gian 2 giờ, sau đó ủ vào khăn xô ẩm trong 4 – 6 giờ.
Khay hoặc bầu ươm được phủ giá thể vào, đặt hạt giống đã ủ xong lên trên và ấn nhẹ. Bạn có thể tưới một chút nước cho bầu ươm và đặt chúng ở nơi sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa nắng và chỉ nên ươm vào buổi chiều mát.
+ Sau khoảng 10 – 14 ngày, nhờ có chất dinh dưỡng của giá thể và nước bạn tưới mỗi ngày, hạt giống sẽ nảy mầm, những hạt giống không nảy mầm bị loại bỏ và bạn có thể gieo hạt giống khác để thay thế. Đến khi cây lên 2 lá thật thì bạn tiến hành trồng cây dưa lưới vào chậu hoặc thùng xốp.
3. Kỹ thuật trồng cây dưa lưới
+ Khi cây bắt đầu lên 2 lá thật, bạn tiến hành đem cây trồng vào chậu hoặc thùng xốp, bởi vì trồng trên sân thượng nên trồng trong thùng xốp sẽ tiết kiệm diện tích hơn và giúp bạn xếp ngay ngắn hơn.
Bạn có thể xếp thùng xốp liên tiếp nhau để trồng được nhiều cây hơn, tuy nhiên nên duy trì một khoảng cách nhất định để các nhánh leo không dễ lây lan bệnh cho nhau.
+ Cây con được đưa vào thùng xốp, sau đó nén nhẹ đất xung quanh để cây đứng vững, tưới nhẹ nước cho cây, việc trồng cây cũng nên thực hiện vào buổi chiều mát để cây dễ thích nghi.
4. Chăm sóc cây dưa lưới trên sân thượng
+ Cách trồng dưa lưới trên sân thượng cần phải bón lót NPK cho cây thường xuyên trong mỗi giai đoạn để cây có thể phát triển nhanh hơn.
Không chỉ vậy, cây còn cần lượng dinh dưỡng từ các loại phân bón như KNO3, MgSO4, K2SO4, (NH4)2SO4, KH2PO4, Ca(NO3)2, bạn hãy pha phân bón với nước, tạo thành dung dịch tưới dần cho cây.
+ Cây dưa lưới rất ưa thời tiết ấm áp, khô ráo, ưa nắng nên đặt ở trên sân thượng rất thích hợp, tuy nhiên nếu thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao cũng sẽ dễ làm cây chậm lớn và nhanh bị bệnh.
Vì vậy bạn nên thiết kế mái che trong suốt cho sân thượng để đảm bảo các cây dưa lưới có thể phát triển tốt trong những ngày mưa hoặc nắng mưa thất thường.
+ Khi cây được 5 lá thật, bạn nên làm giàn leo cho cây, bạn có thể thiết kế 2 cột sắt 2 bên và mắc dây nilon thả xuống để cây leo lên, giàn không cần quá cầu kỳ vì nó sẽ làm cho sân thượng của bạn không thoáng đãng.
Bạn có thể tham khảo chi tiết trong bài viết: Cách làm giàn trồng dưa lưới.
+ Khi cây được 8 – 10 lá, bạn bắt đầu bấm ngọn, bấm ngọn nên làm lúc sáng sớm để tránh vi khuẩn xâm nhập vết thương, bấm ngọn để tăng cường phát triển nhánh nách.
Bạn bấm ngọn chỉ để lại 1 hoa cái và 1 lá sát hoa cái, tập trung dinh dưỡng ra hoa và kết quả. Khi hoa hở, bạn tiến hành thụ phấn cho hoa nhân tạo nếu như không có ong mật ghé thăm.
+ Mỗi cây dưa lưới có thể ra được 20 quả nhỏ, vì hoa ra rất sai, thế nhưng để có trái dưa lưới thơm ngon nhất cho gia đình thưởng thức, bạn chỉ nên để lại 1 quả chín và tăng cường phân bón để quả dưa được chất lượng tốt nhất.
5. Thu hoạch dưa lưới khi nào?
Dưa lưới khi thu hoạch cần có những đặc điểm như quả to, tròn, gân trắng giăng kín vỏ, khối lượng từ 1,5 – 4kg tùy loại. Dưa lưới khi chín có màu vàng tươi, cuống nứt và rời ra.
Bạn hái dưa xuống không nên thưởng thức ngay mà đặt trong nhà khoảng 1 – 2 ngày cho ráo nước rồi mới ăn.
Kỹ thuật trồng dưa lưới trên sân thượng rất đơn giản và có thể áp dụng cho mọi gia đình phải không nào? Chỉ cần chăm bón cây dưa lưới theo phương pháp trên, gia đình bạn hoàn toàn có thể thưởng thức trái dưa lưới thơm ngon, mát lành và chắc chắc không có thuốc trừ sâu nhé!
Lisado Việt Nam luôn cam kết đem lại những giá trị đích thực cho dịch vụ, sản phẩm nhằm thoả mãn các nhu cầu về dưa lưới thương mại, thực phẩm sạch của khách hàng: với chi phí thấp nhất, các công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp nhất bên cạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 nhiệt tình và tận tâm hướng đến khách hàng, không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu cao nhất từ phía khách hàng.