Đầu tư trồng rau thuỷ canh? Làm như thế nào cho đúng?
Đầu tư trồng rau thuỷ canh? Tìm đầu ra cho rau thủy canh? Đó là câu hỏi của rất nhiều người. Hôm nay ngồi lướt facebook và thấy một bài viết thanh lý nhà màng – khung ống thuỷ canh, thực sự buồn vì trong 1 năm qua, đã rất nhiều khách hàng của mình thanh lý và bỏ “nghề” trồng vì nhiều lý do.
Đại đa số là khách hàng tự mua tự làm, tư thiết kế. Dù có hỗ trợ hết mình nhưng cũng ko thể theo sát và định hướng cách làm cho họ làm. Vậy đầu tư trồng rau thuỷ canh? Tìm đầu ra cho rau thủy canh? Trong một bài viết ngắn mình sẽ không phân tích đúng sai mà chỉ muốn chỉ ra một số sai lầm để mọi người tránh.
Đầu tư trồng rau thuỷ canh? Làm như thế nào cho đúng?
Một số chủ đầu tư (cđt) mới vào “ngành” này sẽ có rất nhiều mơ mộng, mộng tưởng về vườn cây xanh tốt, thu nhập cả trăm triệu/ tháng (như báo chí nói). Thực tế, tôi chỉ mong những anh em làm nông nghiệp quy mô nhỏ (dưới 1ha) bớt khổ, bởi trăm dâu đổ đầu tằm, khi mà bạn vừa đóng vai trò là chủ đầu tư, vừa là người bán hàng, vừa là nhân viên maketing và vừa là chuyên gia kỹ sư nông nghiệp.
Tự học hỏi kỹ thuật.
Nội dung chính:
Làm như thế nào cho đúng khi đầu tư trồng rau thuỷ canh: Tự học hỏi kỹ thuật, tìm đầu ra cho rau thủy canh
Tôi đã từng tư vấn rất nhiều khách hàng, đại đa số các chủ vườn đều mong muốn tiết kiệm chi phí đầu tư. Họ tự mày mò, học hỏi, xem video, thăm quan, thêm chỗ nọ, chế chỗ kia … để tự tay dựng Farm của mình mà không cần bất cứ một tiêu chuẩn và hiểu biết gì về yêu cầu kỹ thuật.
Họ làm theo những gì họ nghĩ và họ thấy, điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc xây dựng ban đầu chuẩn sẽ khiến việc vận hành của bạn dễ dàng hơn và tiết kiệm tiền cho bạn nhiều hơn. Các cđt không hiểu rằng họ đang mất tiền ở đâu, khâu nào cho đến khi nào lỗi lầm nó xảy ra. Tôi xin trả lời đó là chi phí cơ hội và chi phí thời gian.
- Tôi lấy 1 ví dụ:
Để có một farm sản xuất thuỷ canh, bạn tự tìm hiểu, thử nghiệm, bạn phải mất ít nhất 2 năm để nghiên cứu hiểu về giống, cách làm, tối ưu sao cho hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải tập trung 300% “công lực” để nghiên cứu, để ý và trồng. Thất bại là điều khó tránh khỏi. 1 vụ rau kéo dài 30 ngày thì đến ngày 25 nó hỏng, bỏ do vô số nguyên nhân từ trên trời rơi xuống. 25 ngày trôi qua đó bạn không chỉ tốn kém tiền điện nước, dinh dưỡng, nhân công, khấu hao và không có thu nhập.
May mắn, bạn xử lý được, rút kinh nghiệm vụ sau nhưng khi cứ xử lý xong cái này thì cái khác sẽ lại phát sinh vì ngay từ đầu, hạ tầng, cách làm, con người của bạn đã không chuẩn. Cứ quay vòng như vậy, một năm bạn sẽ tốn kém bao nhiêu. Đến năm thứ 2, khi tài chính và thu nhập không ổn định, bạn sẽ nghĩ là nó không hiệu quả và tính tới phương án bán thanh lý. Đây mới thực sự là điều lãng phí rất.
Tôi không phản đối việc bạn tự học hỏi và nghiên cứu phương pháp này từ nhiều nguồn nhưng bạn phải hiểu, mỗi nơi đều cho một cách canh tác khác nhau. Có một số bạn ở miền Bắc vào miền Nam, rồi lên Đà Lạt học hỏi, nghe chia sẻ để làm nhưng đều không hiệu quả. Khí hậu ở mỗi vùng miền khác nhau sẽ cho cách làm khác nhau.
Không thể áp dụng cách làm của Đà Lạt, nơi nhiệt độ trung bình năm không quá 35 độ áp dụng cho miền Bắc nơi mà có những ngày nhiệt độ lên 45 – 50 độ được. Ở miền bắc, chi phí đầu tư phải gấp đôi so với miền nam và gấp 3 so với vùng lạnh Đà Lạt – Lâm Đồng.
Theo nghiên cứu của tôi thì đến 90% các chủ đầu tư tự xây dựng và hoạt động mà không có chuyên môn kinh nghiệm sẽ mất ít nhất 3 – 4 năm để ổn định quy trình và cách làm.
Trong số đó có hơn 1 nửa là bỏ cuộc sau 2 năm vì không còn tiền đầu tư và quay vòng. Một số vỡ nợ vì vay ngân hàng. Tại sao bạn lại lựa chọn một cách cực khổ để làm nông nghiệp?
Nghề tay trái.
Làm như thế nào cho đúng khi đầu tư trồng rau thuỷ canh: Nghề tay trái.
Bạn có thu nhập, muốn đạt kết quả tốt nhất, bạn phải tập trung 300% công lực của bạn và thứ bạn đang làm. Người Nhật có câu “Phải sau hơn 50.000 giờ làm việc bạn mới có thể là chuyên gia trong lĩnh vực đó”. Đừng suy nghĩ rằng sản xuất rau sạch bằng phương pháp thuỷ canh là nghề tay trái khiến bạn kiếm thêm được thu nhập ngay từ nó nếu bạn không tập trung. Người ta chỉ kiếm tiền từ sở trường chứ không ai kiếm tiền được từ sở đoảng. Đừng để nghề tay trái của bạn là sở đoảng rồi mất tiền vì nó.
Đầu tư không bài bản, tiết kiệm chi phí, giảm chỗ nọ, cắt chỗ kia.
Làm như thế nào cho đúng khi đầu tư trồng rau thuỷ canh: Đầu tư không bài bản, tiết kiệm chi phí, giảm chỗ nọ, cắt chỗ kia mà phải tìm đầu ra cho rau thủy canh
Tôi xin nhắc lại, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cần rất nhiều tiền bạc và thời gian và công sức. Nếu bạn không hạch toán được chi phí, dự phòng chi phí thì đừng liều mình đầu tư vì như vậy sẽ khiến bạn lãng phí hơn nếu như nó ko đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tôi lấy 1 ví dụ. Nhà màng thuỷ canh yêu cầu tối thiểu hệ thống nhà nóc hở cao 6.5m, hệ thống cắt nắng, hệ thống phun sương và quạt gió. Quan trọng nhất là bộ điều khiển tự động giúp điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ trong nhà một cách chủ động. Các cđt có tâm lý muốn giảm chi phí thường cắt giảm chiều cao nhà, thay vì nhà 1 nóc hở thì lại dùng đến nhà vòm kín hoặc nhà vòm tam giác, nhà cao 4m – 5m là “quá” cao rồi.
Điều này tạo ra hiệu ứng nhà kính rất lớn bên trong nên khi vào mùa hè nắng nóng ở miền Bắc, nhiệt độ trong nhà không dưới 45 – 50 độ. Chưa kể các hệ thống quạt, cắt nắng rồi phun sương bị coi là chưa cần thiết. Dưới cái nhiệt độ 45 – 50 độ thì chính chúng ta còn không thể ở trong quá 10 phút thì sao cây có thể sống và cho năng suất.
Bài toàn độ bền, khấu hao, một đơn vị làm nhà màng chuyên nghiệp có thể cam kết kết cấu khung bền từ 10 – 15 năm. Bạn có dám khẳng định hệ thống nhà màng tự thiết kế của mình có rụng rời sau một cơn bão cấp 8, hay tiền của bạn bay theo một cơn gió cấp 10 hay không. Tính đi tính lại như vậy bạn có nghĩ rằng nó tiết kiệm không?
Nếu bạn không đủ tiền đầu tư cho một hệ thống bài bản tốt nhất bạn không nên lựa chọn phương pháp thuỷ canh này vì nó sẽ khiến bạn tốn kém hơn mà thôi.
Tự làm hệ thống.
Làm như thế nào cho đúng khi đầu tư trồng rau thuỷ canh: Tự làm hệ thống.
Việc người nông dân chỉ biết trồng, thu hoạch đã là một hình ảnh truyền thống của Việt Nam ta, tính cần cù chịu khó học hỏi là một trong những yếu tố không thể thiếu nếu muốn thành công trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi mà phải chịu trách nhiệm và tự tay làm quá nhiều khâu từ ươm gieo, chăm cây, thu hoạch, sửa chữa, vận hành thì 1 ngày 16 tiếng của bạn trôi qua rất nhanh mà không đọng lại bất cứ điều gì.
Các cđt nhỏ lẻ thường canh tác trên chính mảnh đất, khu vườn của mình, với diện tích 1000 – 2000m2 thì chính chủ đầu tư, con cái, anh chị em, cha mẹ đều làm trên đó, khi có bất cứ vấn đề gì thì đều được thông báo sửa chữa khắc phục. Nhưng khi bạn phải thuê người, họ sẽ không có trách nhiệm cao như anh/chị/em người thân của bạn nữa, có lỗi họ cũng chẳng quan tâm đâu, đừng kỳ vọng cao về sự trách nhiệm bởi đó không là bổn phận của họ nữa.
Đừng khiến bạn phải dành quá nhiều thời gian sửa chữa, khắc phục lỗi do chính bạn gây ra. Đừng than rằng làm nông dân khổ như …. Hãy dành thời gian cho gia đình, hãy làm chuẩn ngay từ bước đầu tiên.
Thiếu truyền thông thương hiệu.
Làm như thế nào cho đúng khi đầu tư trồng rau thuỷ canh: Thiếu truyền thông thương hiệu.
Tôi biết có những chủ đầu tư rất giỏi, mỗi ngày đăng bài, khoe cây trái. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những thành công đầu tiên của họ vì họ đã có thành quả. Đó cũng là một cách để truyền thông cho mọi người thấy sản phẩm của họ, giúp người tiêu dùng đến với sản phẩm của họ dễ dàng hơn, cốt lõi vẫn là tìm đầu ra cho rau thủy canh
Nhưng tôi dám cá với bạn rằng rất ít “nông dân” trong 2 năm đầu khó có được những thành quả như vậy vì họ tập trung dành thời gian ở vườn, tập trung nghiên cứu, chế tạo, khắc phục, thời gian đâu để đi học để làm thương hiệu, làm truyền thông, hình ảnh cho sản phẩm của mình.
Có những cđt làm sản xuất 5 năm nhưng không làm lên nổi thưởng hiệu cho chính sản phẩm của mình vì quá “bận”. Nếu bạn không làm thương hiệu, giá cả sản phẩm của bạn sẽ mãi bấp bênh, khách hàng cũng sẽ không hiểu rõ về sản phẩm của bạn, mãi chỉ xoay quanh mà không thể tăng quy mô diện tích vì “giá nông sản lúc nào cũng bấp bênh”. Có một nghịch lý trong sản xuất nông sản như thế này: “Diện tích trồng càng lớn – giá nông sản càng ổn định, ngược lại, diện tích càng nhỏ, giá cả càng bấp bênh”.
5 Lời khuyên mà tôi muốn nhắn nhủ khi bạn làm thuỷ canh hay làm nông nghiệp công nghệ cao.
- Không có tiền, đừng làm nông nghiệp công nghệ cao. Vì thiếu tiền làm công nghệ cao, bạn sẽ chết vì công nghệ thấp.
- Tìm đơn vị tư vấn kỹ thuật và tư vấn xây dựng để giúp bạn giảm thiểu những rủi ro khi bắt đầu mà chưa có kinh nghiệm gì.
- Đi thăm quan ở đâu về cũng đừng áp dụng nguyên xi vì biết đâu, nó phù hợp với họ nhưng chưa chắc phù hợp với mình. Hãy chắt lọc kỹ càng vì bất cứ sự thay đổi nào sẽ ảnh hưỡng và gây ra một sự cố khác.
- Hãy làm chủ – đừng làm nông dân. Chừng nào bạn còn dành hơn 1 nửa thời gian để phục vụ các vấn đề kỹ thuật thì bạn vẫn là một “nông dân” chăm chỉ.
Quan điểm “nông dân” với cá nhân mình là người chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật, chăm chỉ, ham học hỏi, giỏi tự làm, không có thiên hướng về kinh doanh. Ngược lại với “Cđt – chủ đầu tư”, họ thích làm kinh doanh hơn là kỹ thuật.
Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, không chê trách hay phê phán bất cứ điều gì. Mọi người thấy đúng thì hãy chia sẻ nhé.