Cách trồng rau cải thìa thủy canh năng suất và tiết kiệm chi phí
Cải thìa (cải chip) là một loại rau rất thích hợp để trồng thủy canh. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách gieo trồng cải thìa thủy canh sao cho năng suất và tiết kiệm chi phí nhất.
Cải thìa là gì
Nội dung chính:
Cải thìa có lẽ là loại rau không còn xa lạ gì với người Việt Nam, loại rau này còn được biết đến với các tên gọi khác như cải chip, cải bẹ trắng. Cây cải thìa trưởng thành cao khoảng 23 cm, cuống dày, các lớp lá xếp lên nhau và có nhiều gân, chứa nhiều nước, hoa nhỏ màu vàng mọc trên các cuống cao.
Cải thìa thường rất quen thuộc trong các bữa ăn của chúng ta bởi đây là một loại cải có vị ngọt, tính mát, không độc, ít năng lượng và còn chứa rất nhiều các chất Vitamin. Bạn sẽ hiểu rõ hơn tại phần “Thành phần dinh dưỡng của cài thìa” trong bài.
Cách trồng và chăm sóc cải thìa thủy canh
Trồng rau cải thìa thủy canh vào mùa nào
Mặc dù có thể trồng được quanh năm nhưng mùa thích hợp nhất để trồng rau cải thìa là vào mùa đông, mùa xuân. Vào mùa hè, năng suất cây thường thấp nhất nên cần lựa chọn loại giống cây phù hợp.
Cách chọn hạt giống cải thìa thủy canh
Bạn có thể chọn hạt giống thủy canh nội địa hoặc hạt giống thủy canh nhập khẩu. Với từng loại sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau:
- Hạt giống thủy canh nội địa: Đây là loại hạt giống có nguồn gốc trong nước. Ưu điểm của loại hạt giống này là giá thành rẻ, thích hợp với môi trường khí hậu Việt Nam nhưng tỉ lệ nảy hạt không cao bằng giống nhập khẩu. Bên cạnh đó loại giống này cũng không thích hợp trồng trong mùa hè.
- Hạt giống thủy canh nhập khẩu: Đây là loại hạt giống có nguồn gốc nước ngoài. Ưu điểm của loại hạt giống này là có khả năng chịu nhiệt nên có thể trồng quanh năm mà vẫn đảm bảo được hiệu suất. Đồng thời tỉ lệ nảy mầm cao và thời gian sinh trưởng của loại giống này thấp hơn so với giống nội địa.
Tùy theo nhu cầu và điều kiện của bạn để lựa chọn loại giống phù hợp. Tuy nhiên nếu trồng trong mô hình gia đình thì nên lựa chọn giống rau thủy canh nhập khẩu bởi giá thành mua hạt giống không phải là vấn đề quá lớn với mô hình trồng rau này.
Các dụng cụ thủy canh cần chuẩn bị
Để chuẩn bị cho một vụ trồng cải thìa thủy canh, bạn cần chuẩn bị một số vật dụng sau:
- Giàn thủy canh
- Rọ trồng rau thủy canh
- Giá thể trồng rau: có thể chọn viên nén xơ dừa hoặc mút xốp. Trồng cải thìa bằng mút xốp giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn nhưng trồng bằng xơ dừa tính hiệu quả cao hơn.
- Dung dịch thủy canh
- Bút đo nồng độ dinh dưỡng
Nếu bạn còn thiếu thiết bị nào bên trên thì có thể click vào link để đặt mua ngay tại Dụng cụ trồng rau thủy canh của Lisado.
Cách trồng cây cải thìa thủy canh
Điều kiện quan trọng nhất đối với trồng thủy canh nói chung và trồng rau cải thìa nói riêng là ánh sáng. Các chất dinh dưỡng gần như đều đã được hệ thống thủy canh bổ sung, ánh sáng là điều kiện tự nhiên duy nhất mà hệ thống thủy canh cần. Quy trình trồng rau cải thìa bằng phương pháp thủy canh như sau:
Bước 1: Ươm hạt giống
Cách ươm hạt bằng mút xốp:
- Trước khi gieo nên ngâm hạt trong nước khoảng 40 độ C trong 2-5 giờ.
- Vớt ra rửa sạch, để ráo nước
- Đem mút xốp để vào khay ươm hạt
- Gieo các hạt vào từng lỗ nhỏ có sẵn trên mút xốp. 1 lỗ gieo 1 hạt. Lưu ý chỉ gieo ngập nửa hạt mà không để hạt bị lút hoàn toàn.
- Tưới phun sương lên bề mặt
- Tưới thêm nước để bổ sung độ ẩm cho hạt nảy mầm
Cách ươm hạt bằng xơ dừa:
- Ngâm hạt trong nước khoảng 40 độ C trong 2-5 giờ.
- Vớt ra rửa sạch, để ráo nước
- Cho viên nén xơ dừa vào rọ trồng rau, tưới nước và lắc đều.
- Cho các rọ trồng rau vào khay đựng
- Dùng một que tăm bông ẩm, chấm từng hạt giống cho vào rọ trồng rau rồi ấn nhẹ xuống. Nếu hạt giống nhập khẩu thì mỗi rọ chỉ cần cho 1 hạt.
- Tưới phun sương lên bề mặt để hạt giống không bị trôi.
Khi thấy nước trong khay đựng cạn nước, bạn nên bổ sung thêm nước để đảm bảo độ ẩm cần thiết. Khi cây bắt đầu lên lá mầm thì cần thì bắt đầu pha dung dịch thủy canh nồng độ 300ppm để tưới thêm cho cây mau lớn.
Bước 2: Đưa cây giống lên hệ thống thủy canh
Khi cây ươm được 10-15 nếu thấy đã lên được từ 3 lá thật thì đã có thể tiến hành đưa lên giàn.
Cách đưa cây con lên giàn khi ươm bằng mút xốp:
- Tách các phần mút xốp ra theo đường xẻ rãnh sẵn
- Cho từng phần mút xốp có chứa cây con vào rọ nhựa
- Lắp rọ nhựa vào giàn thủy canh
Với cây con được ươm bằng xơ dừa thì đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ việc lấy từng rọ cây lắp vào giàn thủy canh là xong.
Bước 3: Chăm sóc cây cải thìa thủy canh
Khi đã đưa cây lên giàn, bạn có thể yên tâm rằng mình sẽ không mất quá nhiều thời gian cho giàn thủy canh. Đây là giai đoạn có thời gian kéo dài nhất nhưng tất cả công việc cần làm chỉ là bổ sung dung dịch thủy canh và nước.
- Khi cây mới lên giàn, lượng hấp thu nước và chất dinh dưỡng còn thấp nên 5-15 ngày bạn mới phải bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây. Nồng độ pha ở ngưỡng 600-800 ppm.
- Khi cây trưởng thành cần nhiều dinh dưỡng và nước hơn, khoảng 3-5 ngày bạn sẽ phải bổ sung dinh dưỡng một lần. Nồng độ pha ở ngưỡng 800-1000 ppm.
Bạn cần sử dụng bút để kiểm tra nồng độ dung dịch và bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây. Chú ý không để dung dịch ngập toàn bộ rễ vì có thể khiến rễ cây bị ngập úng, không phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến rau trồng.
Ngoài ra, khi bổ sung dinh dưỡng bạn có thể tỉa lá vàng, lá héo, loại bỏ cây hỏng, cây còi cọc và quan sát tình trạng phát triển của cây.
Bước 4: Thu hoạch
Thời gian thu hoạch cải thìa thường khoảng 30-35 ngày. Bạn có thể tỉa lá hoặc thu chặt cả cây. Sau đó, gieo trồng gối vụ cho các lần sau để luôn có rau sạch cho gia đình.
Các loại bệnh thường gặp ở cải thìa
Khi trồng rau bằng phương pháp thủy canh thì rất hiếm khi cây bị bệnh. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là không thể xảy ra, bạn có thể nắm một số loại bệnh thường gặp ở cây cải thìa như sau:
Sâu hại ở cây cải thìa
- Bọ nhảy: Chúng thường ẩn nấp vào nơi ẩm mát, mặt dưới lá cây và có khả năng nhảy xa và bay rất nhanh. Chúng thường bò lên mặt lá ăn phá vào lúc sáng sớm và chiều tối, cắn lủng khắp mặt lá, làm lá có thể bị vàng và rụng. Ấu trùng ăn rễ cây làm cây bị còi cọc, đôi khi héo hoặc thối. Chúng có thể xuất hiện từ rất sớm nên nếu quan sát thấy mặt lá có các biểu hiện trên thì bạn nên tìm bắt trước khi chúng quá phát triển.
- Sâu tơ: Khi còn nhỏ, chúng thường bò lên mặt lá gặm biểu bì tạo thành những đường rảnh nhỏ ngoằn ngoèo. Khi lớn, chúng ăn toàn bộ biểu bì lá làm cây thủng lỗ chỗ. Chúng ta có thể tìm bắt và loại bỏ chúng.
- Sâu ăn tạp – sâu khoang: Đây là loại ăn tạp và gây hại nhiều cho cây. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm. Loại này cần được loại trừ sớm nếu không sẽ hỏng cả vụ rau.
- Sâu đục nõn: ấu trùng có màu hồng, đầu đen và có những sọc đen chạy dọc thân mình, thời gian phát triển lâu độ 10 ngày, nhộng màu đỏ nâu, phát triển 6-8 ngày. Ấu trùng nở ra thường sống tập trung tìm ăn ở đọt non của cây cải. Chúng nhả tơ bao phủ đọt cải và ăn ở bên trong làm cho đọt non bị chết nên gây thiệt hại đáng kể cho cải thìa.
Bệnh hại trên cải thìa
- Bệnh thối nhũn vi khuẩn: xuất hiện nặng vào mùa mưa
- Bệnh thối hạch lá: Gây hại nặng vào mùa mưa.
Cần có phương pháp che chắn để vừa đảm bảo cây không mắc bệnh này, vừa đảm bảo dung dịch thủy canh không bị pha quá loãng.
Thành phần dinh dưỡng có trong cải thìa
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 1 chén cải thìa sống, nặng 70g sẽ có chứa:
- 9 calo
- 1,05g protein
- 1,53g carbohydrate
- 0,7g chất xơ
- 0g cholesterol
- 0,067g chất béo không bão hòa đa
- 74mg canxi
- 0,56mg sắt
- 13mg magiê
- 26mg phốt pho
- 176mg kali
- 46mg natri
- 0,13mg kẽm
- 31,5mg vitamin C
- 46mcg folate
- 156mcg vitamin A (RAE)
- 31,9mcg vitamin K
Các món ăn ngon từ cải thìa
Các mon ăn từ cải thìa cực kì hấp dẫn và đa dạng. Bạn có thể tham khảo một số món ăn ngon và tốt cho sức khỏe từ rau cải thìa như sau:
Cải thìa xào nấm đông cô
Nguyên liệu chính gồm có cải thìa và nấm đông cô. Bạn chỉ cần luộc sơ qua rồi chuẩn bị gia vị. Sau đó bạn xào nguyên liệu lên. Món ăn có hương vị thơm ngon, cải thìa xanh, ăn vào giòn giòn. Nấm đông cô thì mềm, thơm.
Cải thìa xào dầu hào
Đây là một món ăn khá đơn giản và rất tốt cho sức khỏe. Bạn chỉ cần luộc sơ cải thìa rồi xào với dầu hào và nêm gia vị vừa ăn. Dầu hào sẽ có góp phần làm tăng độ ngọt của cải, ăn rất vừa vị.
Gà hấp cải thìa
Với món ăn này bạn sẽ hạn chế được đáng kể lượng dầu mỡ. Thịt gà bạn đem ướp các gia vị để 15p cho gia vị ngấm đều rồi đem hấp cùng cải thìa. Vị ngọt của cải thìa sẽ làm cho món gà thêm hấp dẫn. Bạn nên kết hợp với nước sốt được làm từ dầu hào, bột năng và các gia vị khác sẽ tạo nên hương vị thơm ngon và vô cùng đậm đà.
Canh cải thìa nấu tôm
Ngoài rau cải luộc thì bạn sẽ có thêm một món canh hập dẫn khi nấu cải thìa cùng tôm. Bạn chỉ cần cho nước vào tôm đã xào sơ qua, sau khi nước sôi thì cho cải thìa và nấm vào rồi nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Món canh này vừa ngọt vừa rất dễ ăn.
Cải thìa xào thịt bò
Nếu bạn đang có thịt bò mà chưa biết chế biến thế nào thì đừng bỏ qua món ăn này. Cải thìa bạn chần qua nước sôi, phi thơm hành rồi đem xào với thịt bò. Kết hợp với nước sốt từ dầu mè sẽ tạo nên món ăn vô cùng thơm ngon.
Cải thìa xào tỏi
Vào mùa đông mà có một đia cải thìa xào tỏi thì vừa ấm áp vừa chống được các bệnh cúm rất hữu hiệu. Bạn chỉ cần rửa sạch cải, phi thơm tỏi sau đó cho cải vào xào chín.
Địa chỉ bán giàn thủy canh uy tín
Trồng rau cải thìa thủy canh vừa đem lại cho bạn một vườn cây xanh mát, vừa giúp bạn có được một nguyên liệu sạch cho các bữa cơm hàng ngày. Cảm giác được ngắm nhìn cây lớn lên mỗi ngày và thu hoạch thành quả rất thích thú, nó sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi và stress hiệu quả. Điều đặc biệt hơn là bạn không cần mất nhiều thời gian chăm sóc cho cây, nếu lỡ có bận công việc không tưới cây trong ngày thì bạn vẫn an tâm rằng cây của mình không hề bị khô héo vì thiếu nước.
Nếu bạn cũng muốn có một giản thủy canh như vây, hãy liên hệ ngay với LISADO. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn mô hình trồng rau thích hợp nhất và lo từ A đến Z toàn bộ khâu lắp đặt. Việc duy nhất bạn cần làm chỉ là lựa chọn loại rau thích hợp và gieo trồng mà thôi. Liên hệ ngay với chúng tôi theo số Hotline: 0987.857.614 – 097.157.8366.