Cách trồng măng tây tím đúng kỹ thuật cho năng suất cao
Cũng như nhiều loại măng tây khác, khi trồng măng tây tím sẽ có những yêu cầu cụ thể về kỹ thuật ngâm hạt, ủ hạt, gieo trồng, chăm sóc. Trong bài viết này, Lisado sẽ hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng măng tây tím bằng hạt. Bạn có thể tham khảo và ghi chép vào sổ tay gieo trồng, chăm sóc loại cây này.
Măng tây tím là loại rau giàu dinh dưỡng, chứa các chất xơ, đạm, glucid, các vitammin K, C, A, pyridoxine (B6), riboflavin (B2), thiamin (B1), acid folid và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể như: kali, magiê, canxi, sắt, kẽm… rất tốt cho sức khỏe người dùng.
Hơn nữa, măng tây còn rất giàu dược tính, có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hoá, làm giàu sữa mẹ, giúp ổn định huyết áp… Đây là loại rau dinh dưỡng cao và thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Vì thế, măng tây tím hiện đang được trồng tại nhiều vùng miền của nước ta.
1. Cách trồng măng tây tím bằng hạt
Ngâm hạt
Hạt măng tây tím có đặc điểm là có vỏ cứng hơn các loại khác. Vì vậy trước khi ủ hạt, bạn nên ngâm hạt giống măng tây trong nước để tăng khả năng nảy mầm.
Ngâm hạt ở nước ấm khoảng 40 độ trong khoảng 24h, cứ 12h thì thay nước và rửa sạch hạt 1 lần cho đến khi hạt không còn độ trơn và nhớt. Công đoạn này giúp loại bỏ bụi bẩn bên ngoài vỏ hiệu quả.
Ủ hạt măng tây tím
Rửa sạch hạt và ủ hạt trong khăn ẩm. Nên dùng khăn vải thun mềm, không có sợi sần sùi. Bạn trải đều hạt ra khăn rồi dùng 1 khăn ẩm khác đậy lên phía trên. Sau 12h rửa lại hạt, xấp hạt vào trong nước ấm và khăn ẩm rồi lại tiếp tục tiến hành ủ hạt.
Sau khoảng 2 – 3 ngày ủ hạt, hạt giống sẽ bắt đầu nứt nanh và phát triển mạnh mẽ. Bạn có thể trồng vào luống đất đã chuẩn bị sẵn trước đó (Đất trồng măng tây cần được cải tạo bằng phẳng, cày bừa kỹ, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, san đất bằng phẳng, bổ sung phân xanh, mùn mục, tro trấu hay các loại phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế,… để tăng thêm dưỡng chất cho đất) hoặc có thể trồng trực tiếp vào bầu ươm và tiến hành chăm sóc.
2. Cách chăm sóc măng tây tím
Để măng tây có thể sinh trưởng, phát triển thì không thể bỏ qua giai đoạn chăm sóc. Đây cũng là bước rất quan trọng trong kỹ thuật trồng măng tây tím.
Sau quá trình ươm hạt gieo trồng, cây măng bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất. Lúc này, cần tưới nước thường xuyên giữ ẩm cho đất vào buổi sáng sớm và chiều tối.
Sau khi cây mọc được 15 ngày thì tiến hành nhặt cỏ và bón thúc ure 1% để kích thích cây phát triển. Khi cây măng được khoảng 35 phân, bạn bón thêm phân vi sinh cung cấp dưỡng chất cho cây mập mạp, cứng cáp. Khi cây có 3 ~ 4 nhánh trong bầu ươm ta có thể đem cây trồng ra ngoài đất. Nếu bạn cần mua cây giống măng tây, mời tham khảo: Cây giống măng tây xanh giá tốt.
Cụ thể về các bước chăm sóc măng tây tím, bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:
Bón thúc
Lần đầu sau trồng 15-20 ngày, ta tiến hành bón thúc ure 1% để kích thích cây phát triển. Những lần sau trung bình một tháng bón một lần với lượng phân bón là 150kg NPK loại 16-16-8 trên 1 ha cho mỗi lần bón. Vun gốc sau mỗi lần bón phân giúp bảo vệ cổ rễ để cây măng đứng thẳng quang hợp.
Sau khoảng 3-4 tháng thu hoạch, tiến hành cắt tỉa các cây mẹ già, giữ lại các cây non khỏe, tiếp tục bón thúc phân chuồng, phân NPK, WEHG, GA3, Atonik, Nitrophotka để tiếp tục kích thích cây phát triển và cho nhiều chồi măng hơn.
Tưới nước
Măng tây tím không chịu được khô hạn, vì vậy bạn cần phải cung cấp nước thường xuyên cho cây để đảm bảo cây phát triển mạnh mẽ. Độ ẩm ở mức 60-70 là mức tốt nhất cho cây tăng trưởng.
Thời gian tưới nên tập trung vào buổi sáng và buổi chiều thì nên tưới trước 5h chiều để không làm ảnh hưởng những chồi măng mới nhú.
Tỉa cành, làm cỏ
Bên cạnh việc bón thúc định kỳ, thì bạn cũng cần phải làm cỏ sạch sẽ. Thời gian đầu khi chưa ra măng, bạn có thể dùng màng phủ nông nghiệp hoặc các loại rơm rạ, lục bình đã qua xử lý phủ gốc để hạn chế cỏ dại. Còn đối với cây đã cho thu hoạch thì không dùng màng phủ nông nghiệp nữa.
Khi cây được khoảng 5 tháng, đường kính gốc cây mẹ đạt trên 10 cm, lá cây mẹ chuyển màu từ xanh nhạt sang xanh đậm thì bạn có thể thu hoạch măng.
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ làm phong phú hơn kinh nghiệm gieo trồng măng tây của bạn. Bạn có thể tham khảo những gợi ý về kỹ thuật trồng măng tây tím và thực hiện gieo trồng. Đừng quên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để việc gieo trồng đạt hiệu quả cao nhất.